DANH SÁCH CÁC LOÀI LƯU GIỮ - NƯỚC NGỌT

Cá rai (Neolissochilus benasi)

  • 1. Thuộc nhóm:Nước ngọt
  • 2. Thuộc loài:Giống bản địa quý hiếm
  • 3. Tổ chức thực hiện:Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1
  • 4. Tổ chức lưu giữ:Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1
  • 5. Thông tin mô tả chung:

    5. 1. Vị trí phân loại

    Cá rai có hệ thống phân loại như sau:

    Ngành động vật có xương sống: Vertebrata   

          Lớp cá xương: Actinopterygii

             Bộ cá chép: Cypriniformes

                 Họ cá chép: Cyprinidae

                     Phân họ cá bỗng: Barbinae

                           Giống cá púng: Neolissochilus Rainboth, 1958

                                  Loài cá rai: Neolissochilus benasi (Pellegrin & Chevey, 1936)

                                   Tên gọi tiếng Việt: Cá rai, cá mi

                                   Tên gọi tiếng Tày: Pia mi

     

     Hình. Mẫu cá rai thu thập của Nhiệm vụ (A) và mẫu cá rai chuẩn bảo quản tại Phòng bảo tàng cá Viện NC NTTS 1 (B)

     

    5. 2. Đặc điểm hình thái

     

    Kết quả phân tích 7 mẫu cá rai do Nhiệm vụ thu thập có chiều dài từ 112 mm đến 186 mm xác định cá có đặc điểm nhận dạng như sau: Mình thon dài, phần đầu đến lưng gần tròn, phần đuôi dẹp bên. Cá có 2 sọc đen chạy dọc hai bên thân từ nắp mang đến cán đuôi, phía trước đậm phía sau nhạt dần; Các vây màu hơi xám đen và nhạt dần về phía mút vây; Lưng xám đen, phần bụng trắng; Mắt to nằm 2 bên đầu; Miệng kề dưới, rạch miệng hình cung sâu, rãnh sau môi không liền nhau (Hình A), Cá có 2 đôi râu khá phát triển, râu góc miệng dài đến viền trước mắt; Vây lưng có khởi điểm gần mút mõm hơn gốc vây đuôi, trước khởi điểm vây bụng và có 3 tia đơn mềm và 10 tia phân nhánh; Vây hậu môn có 3 tia đơn mềm và 5 tia phân nhánh; Vây ngực có 1 tia đơn mềm và 16 tia phân nhánh; Vây bụng có 1 tia đơn mềm và 8 tia phân nhánh.

     

    Các mẫu cá phân tích có răng hầu 3 hàng, công thức: 2.3.5-5.3.2. Đường bên hoàn toàn chạy dọc thân và hơi võng về phía bụng. Số vảy đường bên 35-36 chiếc. Vảy trên đường bên là 4 chiếc, vảy dưới đường bên là 3 chiếc, vảy trước vây lưng là 10 chiếc.

     

    Các số liệu đo: chiều dài tiêu chuẩn Lo gấp 3,04 ± 0,5 chiều dài đầu. Chiều dài tiêu chuẩn Lo gấp 3,27 ± 0,54 lần chiều cao lớn nhất của thân và gấp 6,65 ± 0,9 lần chiều cao nhỏ nhất của thân.

     

    Với các đặc điểm hình thái nêu trên cho thấy loài cá Nhiệm vụ thu thập và hiện đang được nuôi lưu giữ thuần hóa tại Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc, Chí Linh, Hải Dương là loài cá rai Neolissochilus benasi (Pellegrin & Chevey, 1936).

     

    5. 3. Đặc điểm phân bố và tập tính sống

     

    Thông qua tài liệu và thực tế điều tra cho thấy cá rai phân bố chủ yếu trên 2 sông Lô–Gâm (Hà Giang, Tuyên Quang), sông Đà (Lai Châu) thuộc hệ thuộc hệ thống sông Hồng. Ngoài ra chúng còn phân bố không nhiều trên các hệ thống sông Bằng (Cao Bằng) và sông Gianh (Quảng Bình). Trên thế giới, cá phân bố tại các lưu vực sông Nguyên (Vân Nam, Trung Quốc).

     

    Cá sống ở tầng giữa và tầng đáy, thích sống nơi nước trong, nước chảy và đáy đá có nhiều cát sỏi. Cá sống thành từng đàn, thích ngược nước và sâu trong ngòi để kiếm mồi. Mùa đông cá di cư ra sông và tới các vực sâu để tránh rét (Ngô Sỹ Vân, 2005).

Các loài khác

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

anh

CÁC ĐỐI TÁC

anh anh anh anh anh

LIÊN KẾT WEBSITE