DANH SÁCH CÁC LOÀI LƯU GIỮ - NƯỚC NGỌT

Cá còm chấm, cá nàng hai, cá thát lát hoa

  • 1. Thuộc nhóm:Nước ngọt
  • 2. Thuộc loài:Giống gốc, giống thuần, giống có giá trị kinh tế
  • 3. Tổ chức thực hiện:Viện Nghiên cưu Nuôi trồng Thủy sản 3
  • 4. Tổ chức lưu giữ:Viện Nghiên cưu Nuôi trồng Thủy sản 3
  • 5. Thông tin mô tả chung:

    • 5.1.1.Tên loài và đặc điểm phân loại

    Ngành: Chordata

      Lớp: Actinopterygii

        Bộ: Osteoglossiformes

          Họ: Notopteridae

           Giống: Chitala

              Loài: Chitala ornata (Gray, 1831)

    • 5.1.2. Hình thái cấu tạo và phân bố
    • 5.1.2.1. Hình thái cấu tạo

      Thân dài rất dẹp hai bên, lưng cong gồ lên và độ cong tăng theo kích thước của cá. Đầu nhỏ, nhọn, dẹp bên. Miệng trước, rạch xiên, kéo dài quá viền sau mắt. Xương hàm trên phát triển rộng. Răng nhọn lên và mọc ở hàm dưới, phần giữa xương hàm trước, xương khẩu cái, xương lá mía và lưỡi. Cá có một đôi râu mũi ngắn, nhỏ. Mắt nằm lệch về phía lưng của đầu, gần mút mõm hơn điểm cuối xương nắp mang. Khoảng cách hai mắt cong và lồi, tương đương đường kính mắt. Lỗ mang rộng, màng mang rất phát triển. Lườn bụng bén, có hai hàng gai chạy dọc theo lườn bụng. Vẩy nỏ phủ khắp thân và đầu. Vẩy dính rất chắc, khó rụng. Vẩy ở đầu nhỏ hơn hoặc bằngvẩy trên thân. Đường bên hoàn toàn từ mép trên lỗ mang và chấm dứt ở giữa gốc vây đuôi. Vây lưng nhỏ, nằm lệch về phía sau thân, gần gốc vây đuôi hơn mút mõm. Gốc vây hậu môn rất dài và nối liền với vây đuôi. Vây ngực phát triển. Vây bụng rất nhỏ. Vây đuôi nhọn, tròn và không phân thuỳ. Lưng và đầu màu xanh lục, hông và bụng trắng. Ở cá nhỏ (chiều dài chuẩn dưới 10 cm) có 10-15 sọc đen ngang thân và các sọc này mờ dần khi cá lớn. Cá trưởng thành phần trên gốc vây hậu môn có 5-10 chấm đen to, viền trắng dọc theo (Nguyễn Văn Hảo, 2005).

    • 5.1.2.2. Phân bố

      Trên thế giới cá còm phân bố ở các nước Ấn Độ, Mianma, Lào, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malayxia. Theo danh lục đỏ Việt Nam 2008, cá còm có phân bố ở Tây Nguyên (một số sông lớn đổ vào sông Mekong); Đông Nam Bộ (một số khu vực thuộc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm cỏ Tây, sông Vàm Cỏ Đông) và Tây Nam Bộ (sông Cửu Long và các phụ lưu).

    • Cá còm chủ yếu sống ở nước ngọt, tuy nhiên có thề sinh trưởng và phát triển tốt ở độ mặn dưới 6 ‰. Cá thích nghi với biên độ pH 5,5 – 8 và nhiệt độ 20 - 32 oC. Cá chịu được hàm lượng oxy thấp nhờ cơ quan hô hấp phụ là bóng hơi. Cá rất mẫn cảm với các loại hóa chất nông dược và ngay cả hóa chất xử lý môi trường nước (Nguyễn Chung, 2006). Cá thể lớn nhất ghi nhận được có chiều dài khoảng 100 cm và nặng 5 kg (http://www.fishbase.org/summary/Chitala-ornata.html).
    •  
    • 5.1.3. Một số đặc điểm sinh học
    • 5.1.3.1. Đặc điểm dinh dưỡng
    • Là loài cá ăn động vật, thích bắt mồi sống di động như cá con, tép, côn trùng,các loài cá có kích thước nhỏ sống ở tầng mặt. Thức ăn viên nên dùng dạng chìm. Hệ tiêu hoá có dạ dày khá lớn, hình cong có vách hơi dày, thực quản ngắn, rộng, ruột ngắn, chiều dài ruột bằng 25-30% chiều dài thân, răng hàm dưới phát triển và sắc nhọn. Một số tài liệu nước ngoài nghiên cứu về thức ăn của cá Còm cho thấy cá bắt ăn nhiều loài động vật trong nước (giáp xác, cá, côn trùng). Theo tài liệu của Uỷ hội sông Mê công (MRC), cỡ cá lớn xấp xỉ 100 cm là một địch hại cho cá.

    • Cá sống ở các sông, cũng có thể vào các ruộng trũng trong mùa ngập. Cá hoạt động tích cực vào hoàng hôn và về đêm.

    • 5.1.3.2. Đặc điểm sinh trưởng và sinh sản

      * Đặc điểm sinh trưởng

      Cá bột mới nở qua 35-40 ngày ương đạt chiều dài 3-4 cm, sau 65-80 ngày đạt 12-15 cm. Từ giai đoạn này cá tăng trưởng nhanh. Sau 6 tháng từ cá giống, cá có thể đạt 400-500 g/con và sau 12 tháng nuôi có thể đạt 1 kg/con. Mỗi năm cá có thể tăng từ 1-1,2 kg.

      Bảng 1: Tốc độ tăng trưởng nguồn gen cá còm Chitala ornata

      STT

      Năm

      Số lượng (con)

      Wtb1

      (kg)

      Ltb1

      (cm)

      Wtb2

      (kg)

      Ltb2

      (cm)

      ADGw (g/ngày)

      ADGL (mm/ngày)

      TLS (%)

      1

      2012

      100

      0,5 ± 0,2

      45,8 ±4,1

      0,9 ± 0,1

      51,5 ±8,1

      1,1

      0,16

      100

      2

      2013

      100

      0,9 ± 0,1

      51,5 ±8,1

      1,1 ± 0,2

      56,2 ±7,3

      0,6

      0,13

      100

      3

      2014

      100

      1,1 ± 0,2

      56,2 ±7,3

      1,3 ± 0,3

      60,8 ±2,3

      0,5

      0,13

      100

      * Đặc điểm sinh sản

      Cá còm thành thục sinh dục lần đầu ở độ tuổi 2+ với khối lượng khoảng 2 kg/con. Tuổi và kích thước thành thục của cá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường sống và điều kiện dinh dưỡng. Cá đực có kích thước thành thục nhỏ hơn cá cái.

      Trong tự nhiên, mùa vụ sinh sản của cá còm kéo dài trong suốt mùa mưa từ tháng 5-11, tái phát dục sau sinh sản từ 7-10 tuần và có thể sinh sản 2-3 lần trong mùa mưa. Vào mùa sinh sản, cá di chuyển vào các vùng trũng ngập nước vào mùa mưa để đẻ trứng dính vào các gốc cây hay các giá thể cứng trong nước. Cá còm có buồng trứng phát triển không đều, thường đẻ nhiều đợt, mỗi đợt khoảng 10-15 trứng. Sau khi đẻ xong cá đực và cá cái chăm sóc, bảo vệ tổ và quạt nước để cung cấp oxy cho trứng phát triển. Khi trứng nở ra cá bố mẹ tiếp tục bảo vệ đàn con cho đến khi chúng tự đi tìm mồi còn cá bố mẹ sẽ di cư về vùng phân bố chính khi mùa lũ kết thúc.

      Cá bột mới nở có bọc noãn hoàng lớn, thường tụ lại ở nơi có giá thể và rất ít hoạt động, chiều dài 1,2-1,4 cm. Sau 4-5 ngày noãn hoàng tiêu hết, cá có chiều dài 1,5-1,7 cm và bắt đầu tìm kiếm thức ăn. Cá con sống thành đàn nhỏ chen chúc nơi yên tĩnh hoặc nơi có giá thể, thường bơi chúc đầu xuống đáy.

      Trong điều kiện nuôi, cá thành thục sớm hơn trong tự nhiên, sau một năm tuổi cá đã phát dục thành thục và tham gia sinh sản. Cá sinh sản tốt từ mùa sinh sản thứ hai trở đi. Mỗi con cá cái có thể đẻ từ 2.000-7.000 trứng tùy khối lượng cơ thể. Sức sinh sản tuyệt đối 1.415-3.676 trứng/cá cái (1-1,8kg), sức sinh sản tương đối 1.381-1.858 trứng/kg cá cái. Sức sinh sản thực tế đạt 580-923 trứng/kg cá cái. Trứng giai đoạn IV có màu vàng nhạt, đường kính trứng dao động 2,3-3 mm. Ở nhiệt độ 28,3oC, thời gian phát triển phôi kéo dài 7 ngày. Trứng cá còm thường nở không đồng loạt, ở nhiệt độ 25-31oC thời gian nở kéo dài 122-165 giờ.

  • 6. Đánh giá chi tiết:

    Các nghiên cứu đánh giá đối với nguồn gen này bao gồm:
    - Đặc điểm phân bố
    - Đặc điểm hình thái, phân loại
    - Thuần hóa
    - Đặc điểm sinh học, sinh trưởng và sinh sản
    - Đặc điểm di truyền
    - Khả năng phục tráng nguồn gen

  • 7. Phân loại nguồn gen (Theo tiêu chuẩn IUCN/FAO):VU (Vulnerable) - Sẽ nguy cấp

Các loài khác

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

anh

CÁC ĐỐI TÁC

anh anh anh anh anh

LIÊN KẾT WEBSITE