Cá chép hồ Lắk
Ngành: Chordata
Lớp: Actinopterygii
Bộ: Cypriniformes
Họ: Ciprinidae
Giống: Cyprinus
Loài: Cyprinus carpio (Linnaeus, 1758)
Thân cá hình thoi, mình dây, dẹp bên. Viền lưng cong, thuôn hơn viền bụng. Đầu cá thuôn, cân đối. Mõm tù. Có hai đôi râu: Râu mõm ngắn hơn đường kính mắt, râu góc hàm bằng hoặc lớn hơn đường kính mắt. Mắt vừa phải ở hai bên, thiên về phía trên của đầu. Khoảng cách hai mắt rộng và lồi. Miệng ở mút mõm, hướng ra phía trước, hình cung khá rộng. Hàm dưới hơi dài hơn hàm trên. Môi dưới phát triển hơn môi trên. Màng mang rộng gắn liền với eo. Lược mang ngắn, thưa. Răng hầu phía trong là răng cấm, mặt nghiền có vân rãnh rõ. Vây lưng có 3-4 tia cứng và 17-23 tia mềm, khởi điểm của vây lưng sau khởi điểm vây bụng, gần mõm hơn tới gốc vây đuôi, gốc vây lưng dài, viền sau hơi lõm. Vây hậu môn có 2-3 tia cứng và 5-6 tia mềm, viền sau lõm. Hậu môn ở sát gốc vây hậu môn. Vây đuôi có 3 tia cứng và 17-19 tia mềm, phân thuỳ sâu. Vẩy tròn lớn và dày. Đường bên hoàn toàn, chạy thẳng giữa thân và cuống đuôi. Lưng xanh đen, hai bên thân phía dưới đường bên vàng xám, bụng trắng bạc. Gốc vây lưng và vây đuôi hơi đen. Vây đuôi và vây hậu môn đỏ da cam.
Cá chép hồ Lắk là một loài cá bản địa có giá trị đã được nhiều nhà khoa học ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có thông tin phân tích những điểm giống và khác nhau giữa cá chép hồ Lăk và cá chép ở các vùng khác. Kết quả điều tra cho thấy cá chép hồ Lăk có kích thước khá lớn, có con nặng tới 5 – 6 kg, thân có màu trắng bạc, phần lưng sậm hơn, mình thuôn cân đối, ở các gốc vây có màu hồng. Trước đây vào mùa mưa ngư dân quanh vùng có thể khai thác hai đến ba chục kg mỗi ngày nhưng bây giờ rất hiếm.
Cá chép có nhiều dạng hình như: Cá chép trắng, chép cẩm, chép hồng, chép đỏ, chép lưng gù, chép thân cao, cá chép Bắc Kạn, cá chép hồ Lăk, v.v...
Trên thế giới cá chép phân bố rộng khắp các vùng trên toàn thế giới trừ Nam Mỹ, Tây Bắc Mỹ, Madagasca và châu Úc.
Ở Việt Nam: Cá phân bố rộng trong sông ngòi, ao hồ, ruộng ở hầu hết các tính phía Bắc Việt Nam. Cá chép hồ Lăk là loài chỉ phân bố ở khu vực hồ Lăk thuộc tỉnh Đăk Lăk, đây là loài cá bản địa được đánh giá là có chất lượng thịt thơm ngon, cũng vì thế mà cá bị đánh bắt nhiều dẫn đến giảm sút nguồn lợi và đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Cá chép sống ở tầng đáy của vực nước, nơi có nhiều mùn bã hưu cơ, thức ăn đáy và cỏ nước. Cá có thể sống được trong điều kiện khó khăn khắc nghiệt, chịu đựng được nhiệt độ từ 0 – 40 oC, thích hợp từ 20 – 27 oC.
4.3.1. Đặc điểm dinh dưỡng
Bảng 2: Đặc điểm tăng trưởng một số giai đoạn phát triển của cá chép
Giai đoạn phát triển
Đặc điểm
3 – 4 ngày tuổi
Chiều dài toàn thân từ 6,0 - 7,2 mm, bóng hơi chứa đầy khí, cá phân bố ở lớp nước mặt là chính. Cá bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài. Thức ăn là động vật phù du như luân trùng (Rotifera), giáp xác râu ngành (Cladocera), cá cũng ăn được các lọai thức ăn khác như bột đậu nành, bột huyết, lòng đỏ trứng gà...
4 - 6 ngày tuổi
Chiều dài toàn thân từ 7,2 - 7,5 mm, cá ăn sinh vật phù du là chính.
8 - 10 ngày tuổi
Chiều dài toàn thân từ 9,6 - 10,5 mm, cá phân bố chủ yếu ở tầng đáy, cá ăn thức ăn lắng ở đáy, sinh vật phù du, ấu trùng côn trùng...
15 - 20 ngày tuổi
Chiều dài toàn thân từ 14,3 - 19,0 mm, cấu tạo cơ thể cá bắt đầu hoàn chỉnh, cá bắt đầu có vẩy và râu, thức ăn chủ yếu là động vật đáy cỡ nhỏ.
20 - 28 ngày tuổi
Cá dài 19 - 28 mm, vây đầy đủ, sống ở đáy, ăn sinh vật đáy, mùn bã hữu cơ và một số sinh vật phù du.
Cá trưởng thành
Cá chép trưởng thành ăn chủ yếu sinh vật đáy như nhuyễn thể, giun, ấu trùng côn trùng, mùn bã hữu cơ, mầm non thực vật... Cá cũng có thể ăn được nhiều loại thức ăn chế biến như bột ngũ cốc, bột cá, bột tôm, rau, bèo, phân động vật, đồ thừa nhà bếp, phụ phẩm lò mổ...
Cá chép hồ Lăk thành thục sinh dục ở 1+ tuổi cả ngoài tự nhiên và trong điều kiện nuôi. Trứng cá chép là loại trứng dính và cần giá thể trong nước để trứng bám vào. Ngoài tự nhiên, mùa vụ sinh sản tập trung vào các tháng mùa mưa từ khoảng tháng 4-9 hàng năm. Khi đẻ cá thường di cư vào các bãi ven sông, vùng nhiều cỏ nước. Cá thường đẻ vào ban đêm, nhất là từ nửa đêm đến lúc mặt trời mọc hoặc sau các cơn mưa rào, nước mát.
Cá đẻ tự nhiên trong môi trường nếu đủ các điều kiện như: Có cá đực và cá cái thành thục; Có giá thể làm tổ như cây cỏ thủy sinh; và điều kiện môi trường nước thích hợp. Cá chép đẻ nhiều lần trong năm, mùa sinh sản tập trung vào các tháng đầu năm và mùa mưa với nhiệt độ từ 25-29°C.
Trong sinh sản nhân tạo cá chép sinh sản được quanh năm. Sức sinh sản của cá dao động từ 120.000-140.000 trứng/kg cá cái và số lượng trứng phụ thuộc vào kích cỡ cá mẹ.
Cá chép ngoài tự nhiên và cá chép nuôi có thể thành thục sinh dục sau 1 năm tuổi.
Kích cỡ cá mẹ (gram)
Số lượng trứng đẻ (trứng)
300
30.000 – 60.000
500
60.000 – 80.000
700
80.000 – 90.000
1.000
120.000 – 140.000