DANH SÁCH CÁC LOÀI LƯU GIỮ - NƯỚC MẶN LỢ

Cá Song vua (Epinephelus lanceolatus Block, 1790)

  • 1. Thuộc nhóm:Nước mặn lợ
  • 2. Thuộc loài:Giống gốc, giống thuần, giống có giá trị kinh tế
  • 3. Tổ chức thực hiện:Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1
  • 4. Tổ chức lưu giữ:Trung tâm Quốc gia giống Hải Sản miền Bắc
  • 5. Thông tin mô tả chung:

    1. Thông tin chung

    1.1. Tên loài và đặc điểm phân loại

    Ngành.................... Chordata

          Lớp.......................Pices

               Bộ....................Perciformes

                    Họ....................Serranidae

                          Giống....................Epinephelus

                              Loài....................Epinephelus lanceolatus (Block, 1790)

    - Tên khoa học: Epinephelus lanceolatus

    - Tên tiếng Anh: Giant grouper

    - Tên tiếng Pháp: Mérou lancéolé

    - Tên tiếng Tây ban nha: Mero lanceolado

    - Tên tiếng Việt: Cá song vang, cá song vua, cá mú nghệ

    1.2.  Hình thái cấu tạo và phân bố

    1.2.1. Hình thái cấu tạo

    Cá Song vua được mô tả: thân hình bầu dục dài, dẹp bên, phủ vẩy tròn đường bên có dạng ống có nhiều nhánh nhỏ ẩn dưới da. Miệng lớn, xương hàm trên có thể nhô ra phía trước có xương hàm trên phụ, xương nắp sọ rất rộng. Vây lưng có 11 gai cứng và 14-16 tia vây, vây hậu môn có 3 gai cứng và 8 tia vây, vây ngực và vây đuôi tròn.

    Theo xác định của Nguyễn Nhật Thi, Cá song vua có các chỉ tiêu hình thái như sau: D XI. 15; A III. 8; P 18-19; VI. 5; C. 17. Vảy đường bên 60-61. Lược mang 2-3 + 10-12.

    Chiều dài thân bằng 2.9-3.1 lần chiều dài thân, bằng 2.3-2.4 lần chiều dài đầu. Chiều dài đầu bằng 4,5-5,5 lần chiều dài mõm, bằng 4,5-7,2 lần đường kính mắt, bằng 5,2-6,7 lần khoảng cách hai mắt, bằng 2,0-2,1 lần chiều dài xương hàm trên.

    Theo mô tả của Nguyễn Nhật Thi cá song vang thân hình bầu dục dài, dẹp bên, viền lưng và viền bụng căng đều, bắp đuôi ngắn, nhỏ. Đầu tương đối lớn, chiều dài đầu lớn hơn chiều cao rhân. Mép sau xương nắp mang hình răng cưa, xương nắp mang chính có 2 gai dẹt chìm dưới da. Mõm hơi dài, ở cá nhỏ (khoảng 5-6 cm) chiều dài mõm bằng đường kính mắt, cá lớn dần thì chiều dài mõm tăng lên và lớn hơn đường kính mắt. Mắt nhỏ phát triển chậm, do đó cá càng lớn thì tỷ lệ đầu, đường kính mắt càng lớn. Khoảng cách 2 mắt hẹp hơn đường kính mắt ở cá nhỏ và lớn hơn đường kính mắt khi cá lớn hơn 10 cm. Lỗ mũi lớn, mỗi bên 2 cái ở sát viền trên mắt, lỗ mũi trước có van da hình tai chuột, lỗ mũi sau hơi cao ở bờ trước. Miệng lớn chếch, hàm dưới hơi nhô dài hơn hàm trên. Môi rộng và dày. Xương hàm trên phát triển, phần sau phình rộng, kéo dài đến phía sau mắt. Đầu lưỡi rộng, dài, tròn. Răng hình dùi mọc thành đai răng trên 2 hàm, xương khẩu cái và xương lá mía. Ở cá còn nhỏ, răng nhọn và mau, cá lớn răng cùn và thưa. Đoạn trước hàm trên có 2 răng nanh và một số răng lớn dài ở phía trong, hàng răng ngoài cùng lớn. Hàm dưới không có răng nanh, hàng răng trong cùng lớn. Khe mang rộng, màng nắp mang không liền với ức. Lược mang ngắn, thô và cứng, trên cung mang ngoài cùng có 2-3+10-12 cái dài và 5-8+1-2 cái dạng hạt, có 17 tia nắp mang.

    Thân phủ vảy tròn nhỏ ở đầu, trừ mõm các phần khác đều phủ vảy. Vây lưng liên tục, không có khe lõm, phần tia vây cao hơn phần gai. Vây hậu môn nhỏ, các gai cứng ngắn, gai thứ III bằng khoảng 1/2 tia vây sát nó. Vây ngực rộng tròn, ở phía trên vây bụng, vây bụng nhỏ vây đuôi tròn, cá nhỏ bên thân có 4 đám vân rộng màu nâu đen chạy ngang, 1 ở cuối bắp đuôi, 1 ở trên vây hậu môn lan đến 1/2 vây lưng và vây hậu môn, 1 từ phần gai lưng xuống vây bụng và 1 ở gáy lan rộng khắp đầu, để hở vân phía sau ở trên vây ngực. Các vây lưng vây hậu môn, vây ngực và vây đuôi có một số chấm đen lớn. Cá lớn các vân này biến đổi dần thành dạng mạng lưới, chỉ còn lại các chấm đen lớn riêng biệt hoặc liên kết với nhau trên các vây.

    Theo mô tả trong sách phân loại của FAO, Cá song vang có thân hình bầu dục, chiều dài cơ thể gấp 2.4-3.4 lần chiều cao thân, gấp 2.2-2.7 lần chiều dài đầu, chiều cao thân gấp 1.5-1.75 lần chiều dày thân. Đường kính mắt bằng 5.8-14 lần chiều dài đầu, chiều dài đầu gấp 3.3 lần chiều rộng chẩm (mẫu quan sát có chiều dài cơ thể 177 cm) gấp 6.2 lần chiều rộng chẩm (mẫu quan sát có chiều dài cơ thể 12 cm). Vùng thuỳ chẩm hơi lồi về phía lưng. Xương nắp mang trước có hình răng cưa góc lượn tròn, rìa trên của xương nắp mang sau lồi nhô về phía sau. Hàm dưới có 2-3 hàng răng (L0: 25 cm) tăng lên 15-16 dãy (L0: 177 cm) răng nanh mọc ở phía trước thường nhỏ hoặc không có. Cung mang thứ nhất có 8-10 tấm lược mang, xương nắp mang bao phủ kín cung mang. Vây lưng có 11 tia vây cứng, 14-16 tia vây mềm, chiều dài của tia vây cứng ngắn hơn tia vây mềm. Vây đuôi có 3 tia vây cứng 8 tia vây mềm, vây duôi tròn, vây ngực có 18-20 tia vây mềm. Chiều dài đầu gấp 1.8-2.2 lần chiều dài của vây ngực, vây bụng không kéo dài đến gần vây hậu môn và bằng 2.1-2.6 lần chiều dài đầu. Vẩy đường bên có 54-62 chiếc.

    Cá song vua lúc còn nhỏ có màu vàng thể hiện rõ nhất ở rìa các vây lưng vây đuôi, vây hậu môn, vây ngực, khi cá trưởng thành toàn bộ cơ thể có màu nâu đậm.

    Theo mô tả của Heemstra vây lưng có 11 tia vây cứng, 14-16 tia vây mềm, vây hậu môn có 3 tia vây cứng 8 tia vây mềm, kích thước vây lưng tăng dần về phía sau. Đây là loài cá có kích thước lớn nhất trong các loài sống ẩn nấp trong các rạn đá san hô.

    1.2.2. Phân bố

    E. lanceolatus phân bố ở vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương từ Biển Đỏ đến Nam Châu Phi đến Đông Hawaii và Đảo Pitcairn, từ vùng biển Nhật Bản đến Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Australia.

    Chúng sống ở các địa hình khác nhau từ vùng nước nông có nhiều rạn đá, san hô, quanh các đảo tới vùng biển sâu xa bờ.

    Ở Việt Nam cá song vang phân bố ở vùng biển Quảng Ninh-Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, vùng biển Cà Mau-Kiên Giang

    1.3. Một số đặc điểm sinh học

    1.3.1 Đặc điểm dinh dưỡng

    E. lanceolatus là một loài sống ẩn nấp trong các rạn đá san hô, hang hốc hoặc những nơi có các xác tàu đắm để rình mồi. Tuy nhiên cũng bắt gặp chung ở các vùng cửa sông, hoặc ở ngoài khơi... Khi còn nhỏ chúng chúng thường ăn giáp xác loại nhỏ khi trưởng thành thức ăn đa dạng hơn như: cá, tôm, cua, ghẹ...

    Trong tự nhiên cá song vang thương ẩn nấp ở các rạn đá san hô, hang hốc nằm chờ con mồi tới gần rồi đớp gọn. Mồi của chúng đa phần là những loài động vật sống đáy như tôm cua cá mực... Cá song vang săn mồi suốt ngày, mạnh nhất vào lúc chạng vạng và rạng đông.

    Theo báo cáo của Randall (1965) thức ăn trong dạ dày cá song ở biển đỏ caribê có tới 83% là giáp xác và 17% là cá. Đây là loài cá dữ có kích thước lớn (cá lớn nhất được tìm thấy có kích thước 260 cm nặng 288 kg) nên chúng có thể gây xây sát cho người bắt giữ chúng, tuy nhiên chúng ta có thể thuần hoá được khi đưa vào nuôi nhốt.

    1.3.2 Đặc điểm sinh trưởng và sinh sản

    Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuỷ sản Thái Lan sự tăng trưởng của cá song vang trưởng thành về trọng lượng là 1.6-1.9g/ngày về chiều dài là 0.035-0.058 cm/ngày. Có thể nuôi cá song vua bố mẹ ở lồng lưới chúng sinh trưởng và phát dục như đối với các loài cá song khác. Sự phát triển của tuyến sinh dục ở cá song vang khi trọng lượng > 3kg và thành thục khi chúng đạt trọng lượng 17-20 kg và kích thước 100-110 cm đối với cá cái, 25-30 kg và kích thước 110-120 cm đối với cá đực. Thái Lan đã sinh sản thành công cá song vang năm 2001.

    Một số nghiên cứu của các nhà khoa học Đài Loan cho thấy khi cá song vua đạt kích thước 120-130 cm trọng lượng đạt 50-60 kg thì chúng có thể tham gia sinh sản. Ấu trùng cá song vang sau khi nuôi 35 ngày tuổi đạt kích thước 3 cm, đạt 600g sau 6 tháng nuôi và đạt 1-2 kg sau 9-10 tháng nuôi. Các nhà khoa Đài Loan đã sinh sản thành công loài này từ những năm 90 của thế kỷ trước.

    Theo nghiên cứu của Lau và Li E. lanceolatus thuộc loại sinh sản biến tính, hầu hết cá song vua khi nhỏ là cá cái, khi đạt kích thước > 129 cm một số cá thể biến tính thành cá đực. Cá song vang sinh sản ở 6-7 năm tuổi, mùa vụ sinh sản thường khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 11. Mỗi cá thể cái có thể đẻ 4-5 triệu trứng một đợt, trứng thụ tinh nở sau 18-25 giờ ở nhiệt độ 28-300C, sau 3 ngày chúng có thể bắt mồi, thức ăn  là các ấu trùng của giáp xác, động vật phù phiêu... sau 35-40 ngày tuổi chúng biến thái thành cá con (hình thái giống như cá trưởng thành) và có kích thước 3-4 cm, sự tăng trưởng của cá song vua 400-600 g/tháng (từ cá 20 cm đến 3 kg), đạt 6-8 kg/năm (từ cá 3kg đến cá trưởng thành), chúng sinh sản khi kích thước đạt 120-130 cm, trọng lượng 40-60 kg.

    Cá song vua có thể di chuyển một khoảng cách xa để tìm đối tác giao phối, hàng trăm con từ các vùng khác nhau tụ hợp đến một địa điểm  để tham gia vào quá trình sinh sản.

    1.4. Ảnh chụp hoặc hình vẽ về cá thể trưởng thành và cá thể khi còn nhỏ

    2. Bản đồ phân bố trong nước

    3. Cơ sở dữ liệu: Bao gồm cả văn bản và số hóa    

Các loài khác

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

anh

CÁC ĐỐI TÁC

anh anh anh anh anh

LIÊN KẾT WEBSITE