BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
VIỆN NGHIÊN CỨU NUÔI TRỒNG THỦY SẢN I
*****
BÁO CÁO TỔNG KẾT NHIỆM VỤ
BẢO TỒN, LƯU GIỮ NGUỒN GEN VÀ GIỐNG THỦY SẢN KHU VỰC MIỀN BẮC NĂM 2021
Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Võ Văn Bình (Email: vovanbinh@ria1.org)
Cơ quan chủ trì: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I
Năm 2021
BÁO CÁO TÓM TẮT
Nhiệm vụ “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản khu vực miền Bắc năm 2021” được triển khai hàng năm và thuộc mục tiêu lâu dài là bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ, an toàn nguồn gen và nâng cao chất lượng giống thủy sản nhằm phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản khu vực miền Bắc. Các nguồn gen hải sản và vi tảo được lưu giữ tại Trung tâm quốc gia giống hải sản miền Bắc, tại Cát Bà, Hải Phòng; Nguồn gen thủy sản nước ngọt được lưu giữ tại Trung tâm quốc gia giống thủy sản miền Bắc tại Chí Linh, Hải Dương. Kết quả thực hiện Nhiệm vụ năm 2021 đạt được như sau:
+ Nhiệm vụ đã điều tra, thu thập mới 03 nguồn gen cá rai Neolissochilus benasi (Pellegrin & Chevey, 1936) và cá hồng vằn Lutjanus sebae, thu thập bổ sung nguồn gen cá mát Onychostoma laticeps với số lượng: 70 cá thể cá rai, 14 cá thể cá hồng vằn và 10 cá thể cá mát. Các nguồn gen thu thập có tỷ lệ sông sau khi vận chuyển và thuần dưỡng đạt > 60% đối với cá rai, > 70% đối với cá hồng vằn, và > 30% đối với cá mát.
+ Nhiệm vụ đã lưu giữ an toàn tổng số 12 nguồn gen các loài thủy hải sản bằng phương pháp chuyển vị Ex situ (lồng biển, bể composite và ao đất). Các hình thức lưu giữ, chế độ quản lý chăm sóc và phòng trị bệnh hiệu quả, phù hợp với đặc tính sinh học của từng nguồn gen. Tỷ lệ sống sau khi trong quá trình lưu giữ đều đáp ứng yêu cầu đạt trên 90%, ngoại trừ một số nguồn gen đang trong giai đoạn lưu giữ thuần dưỡng có tỷ lệ sống thấp hơn như cá hỏa (77,7%), cá mát (60,0%). Năm nguồn gen vi tảo biển gồm Nannochloropsis oculata, Isochrysis galbana, Chaetoceros calcitrans, C. muelleri, Thalassiosira pseudonana cũng được lưu giữ an toàn, không nhiễm tạp, sẵn sàng cho nhân giống để sản xuất sinh khối phục vụ ương nuôi các đối tượng ấu trùng hải sản (cá biển, nhuyễn thể...).
+ Nhiệm vụ đã đánh giá chi tiết nguồn gen cá rai bao gồm các chỉ tiêu về phân loại, đặc điểm dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản. Đối vối nguồn gen cá mát thì đã đánh giá được tập tính sinh sản của và cho sinh sản thử nghiệm. Nhận xét chung về cá mát ở thời điểm hiện tại là khó có thể thuần hóa đề đưa vào nuôi vỗ, nhân giống. Đối với nguồn gen cá Hồng vằn thì đã đánh giá được đặc điểm hình thái, phân bố, tập tính sống và khả năng thích nghi thuần dưỡng và một số đặc điểm sinh sản
+ Nhiệm vụ đã đánh giá chi tiết 5 nguồn gen vi tảo thông qua nhân lại giống. Hầu hết các giống tảo đưa nhân nuôi trở lại đều phát triển bình thường và không có sự sai khác nhiều về tốc độ sinh trưởng và mật độ cực đại đạt được trong khoảng thời gian này.
+ Nhiệm vụ đã đánh giá di truyền của nguồn gen cá Chép Trắng. Kết quả cho thấy đàn cá Chép Trắng có yếu tố di truyền đồng nhất ở các nhóm cá đã thu mẫu nghiên cứu và khác với đàn cá chép Việt Nam được thu ở các vùng núi phía Bắc.
+ Nhiệm vụ đã chọn lọc, nuôi vỗ và tái tạo thành công nguồn gen cá chép chọn giống để tái tạo đàn cá chép bàn đầu phục vụ cho việc lai tạo và sản xuất. Kết quả đã tái tạo được 1.244 con cá tiền hậu bị (có thể đưa vào chọn lọc để làm cá hậu bị) với khối lượng >64-98 g/con.
+ Nhiệm vụ đã trao đổi thông tinh và nguồn gen cá Rai giữa Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc với Trung tâm thủy sản Hà Giang; xác định được loài cá Rai đang nghiên cứu là cùng loài với cá Mỵ đang lưu giữ ở Trung tâm Hà Giang và cá Rầm ở Yên Minh Hà Giang. Đã tái tạo quần đàn và trao đổi 1200 con cá chép sản xuất cung cấp cho Trung Tâm thủy sản Nghệ An; nguồn gen này được trực tiếp đưa vào phục vụ sản xuất giống thương mại.
+ Nhiệm vụ đã tiếp tục tư liệu hóa, cập nhật bổ sung các thông tin của nguồn gen và chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu thông qua trang web của nhiệm vụ: http://gca.ria1.org.
Đánh giá chung: Nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu theo thuyết minh nhiệm vụ nhánh và đạt được các chỉ tiêu sản phẩm đặt ra năm 2021.