- Báo cáo

Đánh giá sơ bộ Nheo sông[12/12/2022]

NGUỒN GEN CÁ NHEO SÔNG

1. Mở đầu

          Cá Nheo sông (Silurus asotus Linnaeus 1758) thuộc họ cá Nheo (Siluridae), bộ cá Nheo (Silurisformes). Đây là loài cá dữ nước ngọt, phân bố tự nhiên trên các sông, hồ, đầm và hồ chứa lớn ở Việt Nam. Với kích thước cơ thể lớn, có thể đạt đến 15 kg/con nên cá Nheo sông có giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, do bị khai thác quá mức nên nhiều năm gần đây rất khó bắt gặp cá Nheo sông trong tự nhiên. Hiện nay, cá Nheo sông trở thành loài cá bản địa quý, đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Sách Đỏ Việt Nam xếp cá Nheo sông là loài có mức đe dọa bậc NT (gần với nguy cơ bị đe dọa). Vì thế loài cá này đã được đưa vào danh sách bảo tồn nguồn gen cá nước ngọt năm 2022.

2. Đánh giá sơ bộ nguồn gen cá Nheo sông

2.1. Vị trí phân loại

          Theo Mai Đình Yên (1978); Nguyễn văn Hảo (2005), cá Nheo sông Silurus asotus thuộc bộ Siluriformes, họ Siluridae, giống Silurus có tên trong hệ thống phân loại như sau:

      Lớp                           : Actinopterygii

         Bộ                          : Siluriformes

            Họ                       : Siluridae

               Chi                   : Silurus

                  Loài               : S.asotus

                      Tên thường gọi: Cá Nheo sông

 

Hình 1. Hình thái ngoài cá Nheo sông Silurus asotus Linnaeus, 1758

2.2. Đặc điểm hình thái

2.2.1. Các chỉ tiêu đo đếm

          Cá Nheo sông Silurus asotus có tia mềm ở lưng: 4-6; Tia mềm hậu môn: 59-88. Bụng màu trắng và có những chấm trắng không đều ở hai bên sườn. Cá chưa trưởng thành và cá trưởng thành có một cặp râu hàm trên dài hơn đầu và một cặp râu hàm dưới xấp xỉ 20 đến 30% chiều dài của gai hàm trên. Ở cá con (chiều dài tiêu chuẩn 6-7 cm), loài này có thêm một cặp râu hàm dưới. Chiều dài tối đa thân cá lên đến 130 cm, thông thường là từ 30-60 cm TL.

2.2.2. Mô tả về hình thái

          Về đặc điểm hình thái, cá có thân dài, phần đầu dẹp bằng, phần sau dẹp bên. Đầu lớn và sộng, mõm tù. Miệng hướng trước, nằm ngang. Hàm trên ngắn hơn hàm dưới nhiều. Trên hai hàm và xương vòm miệng đều có răng dạng lông nhung. Môi không dày. Có hai đôi râu. Râu hàm kéo dài quá gốc vây ngực. Râu cằm ngắn, chỉ kéo dài tới quá chỗ giao nhau của 2 khe mang một ít. Mắt bé, khoảng cách hai mặt rộng. Lỗ mũi trước và sau cách xa nhau. Màng nắp mang không dính liền với eo mang. Vây lưng rất bé, ít tia vây khởi điểm trước khởi điểm vây bụng. Khoảng cách sau vây lưng lớn hơn trước vây lưng nhiều. Không có vây mỡ. Vây ngực ngắn, gai cứng ngắn và phía trước có răng cưa rõ ràng, mút sau không tới vây bụng. Vây bụng nhỏ rất .gần với vây hậu môn và kéo dài quá khởi điểm vây hậu môn một ít. Vây hậu môn rất dài, phía sau dính liền với vây đuôi. Hậu môn ở ngay trước vây hậu môn. Vây đuôi bị cắt chéo xuống phía dưới hoặc hơi lõm vào một ít. Thân trần, đường bên hoàn toàn, rất rõ, chạy giữa thân và cán đuôi, thân màu tro, trên thân có những đốm trắng, bụng màu nhạt.

Hình 2. Hình cá Nheo sông được thu ở hồ thủy điện Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

2.3. Đặc điểm phân bố

          Ở miền Bắc Việt Nam có hai loài là Silurus cochinchinensis (Valenciennes, 1893) và Silurus asotus (Linnaeus, 1758). Trong đó loài Silurus cochinchinensis (Valenciennes, 1893) hiếm gặp, loài Silurus asotus (Linnaeus, 1758) phân bố rộng ở hầu hết các thuỷ vực. Giới hạn thấp nhất về phía Nam là Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Nguyễn Văn Hảo, 2005). Cá Nheo sống ở tầng giữa và tầng đáy, nơi có nhiều bùn cát, bụi cây hay những nơi nước chảy chậm thường ban đêm chúng đến chỗ nông để bắt mồi. Mùa đông chúng tập trung ở những vùng nước sâu hoặc trú trong hang hốc. Cá Nheo thích ứng được với biên độ nhiệt rộng và khả năng chịu lạnh tốt (Nguyễn Văn Hảo, 1993).

2.4. Đặc điểm dinh dưỡng

2.4.1. Cấu tạo cơ quan tiêu hóa

          Kết quả quan sát cơ quan tiêu hóa của cá Nheo sông cho thấy cá có miệng rộng, rạch nằm ngang và dài. Môi dày, nhiều sụn cứng. Cá có răng, mang cá có bốn đôi cung mang, mỗi cung có hai hàng lược mang, màng mang hẹp và liền với eo mang. Thực quản cá to và dài, không có nếp gấp, không co giãn được. Cá có dạ dày, sau thực quản là đường ruột nhỏ, thẳng vách ruột dầy, mặt trong có ít nếp gấp. Với cấu tạo miệng, mang và ruột như vậy của cá Nheo sông, bước đầu có thể cho rằng đây là loài cá có tập tính ăn thiên về động vật, những loài cá này thường có răng, ruột cá ngắn với vách ruột dầy.

2.4.2. Nghiên cứu về đặc điểm dinh dưỡng

          Cá Nheo sông là loài cá dữ, thức ăn chủ yếu là các loại tôm cá nhỏ và các loài sinh vật đáy. Tuy là loài cá dữ nhưng cá Nheo sông lại có tác dụng tạo nên hệ sinh thái cân bằng trong ao nuôi, do tính ăn của nó là các loài tôm cá nhỏ và các loài sinh vật đáy nên khi nuôi trong ao, cá Nheo sông là công cụ diệt tạp hữu hiệu. Cường độ ăn và thành phần thức ăn của cá Nheo sông thay đổi theo mùa. Thường mùa đông cá giảm ăn và thức ăn có nét khác mùa hè (Nguyễn Văn Hảo, 2005). Tuy nhiên, cá Nheo sông thức ăn ưa thích của nó có nguồn gốc động vật nhưng ta có thể luyện chuyển từ thức ăn tươi sống sang thức ăn nhân tạo (Phan Chí Vỹ & Quách Gia Tường, 1991). Vì vậy cá Nheo có thể là đối tượng nuôi phổ thông và công nghiệp. 

2.4.3. Tính ăn

Kết quả phân tích mẫu trung bình giữa chiều dài ruột và chiều dài thân cá Nheo cho thấy, ruột cá Nheo ngắn, có hệ số trung bình giữa chiều dài ruột (Li) trên chiều dài thân (Ls) là 0,96 ± 0,32. Như vậy, cá Nheo sẽ có tính ăn thiên về động vật (có Li/Ls ≤ 1). Hơn nữa, với cấu trúc của đường ống tiêu hóa ngắn, vách ruột dày có ít nếp gấp cho thấy rằng cá Nheo sông có hệ tiêu hóa điển hình của những loài cá có tập tính ăn thức ăn động vật là chính.

Bảng 1. Các thông số về chiều dài ruột và chiều dài thân của cá Nheo sông

Thông số

Tuổi cá

(Năm)

Giá trị

Khoảng biến động

Chiều dài thân (Ls)

1+ - 3+

29,32 ± 2,15

27,68 – 33,24

Chiều dài ruột (Li)

1+ - 3+

28,14 ± 2,37

26,37 – 31,46

Hệ số dài ruột/dài thân (RLG)

1+ - 3+

0,96 ± 0,32

0,94 - 0,98

          Tuy nhiên, thức ăn ưa thích của cá Nheo sông có nguồn gốc từ động vật nhưng ta có thể luyện chuyển từ thức ăn tươi sống sang thức ăn nhân tạo (Phan Chí Vỹ & Quách Gia Tường, 1991). Vì vậy cá Nheo có thể là đối tượng nuôi phổ thông và công nghiệp.

2.5. Đặc điểm sinh sản

2.5.1. Phân biệt giới tính

          - Cá Nheo sông đực có thân hình thon dài, bụng tóp, khi cá thành thục sẽ xuất hiện các kết hạch lớn ở môi trên và ở vây hậu môn của cá, phát hiện được bằng mắt thường.

          - Cá Nheo sông cái thường vào mùa sinh sản có kích thước thân lớn hơn con đực, bụng to, thành bụng mỏng và mềm, có các gai nhọn ở môi trên vào giai đoạn thành thục nhưng các gai này rất nhỏ, khó quan sát. 

2.5.2 Tuổi và kích thước thành thục lần đầu

          Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm cá kích thước từ 250 – 300 mm và nhóm cá kích thước từ 300-350 mm có tỷ lệ cá mang tuyến sinh dục ở giai đoạn III, IV là 22% và 45%, tương ứng với nhóm tuổi 1+. Nhóm kích thước lớn hơn 300-350 mm và 350-400 mm mang tuyến sinh dục giai đoạn III, IV chiếm tỷ lệ khá cao từ 75% đến 93%. Với kết quả này cho thấy cá Nheo sông thành thục lần đầu ở nhóm kích thước 250 - 300 mm với tuổi thành thục lần đầu 1+.

Bảng 2. Tuổi và kích thước thành thục lần đầu của cá

Kích thước (mm)

Khối lượng (g)

Tuổi

Số cá thể thành thục

giai đoạn III, IV

Số cá thể

trong nhóm

 

Tỷ lệ %

thành thục

 

250 – 300

300,5 - 500,2

1+

3

18

22

300 – 350

450,7 - 650,6

1+

4

20

45

350 – 400

590,6 - 1020,4

2+

11

20

75

400 – 450

990,2 – 1650,8

2+ - 3+

18

20

93

 

Nguồn tin: http://gca.ria1.org/
Lượt xem: 1292

Các tin khác

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

anh

CÁC ĐỐI TÁC

anh anh anh anh anh

LIÊN KẾT WEBSITE